Language:
Sơ lược về phương pháp nghiên cứu khoa học và cách tiếp cận
By xahoihoc August 18, 2011

Phương pháp nghiên cứu khoa học (PPNCKH) không chỉ dành cho những người yêu thích việc nghiên cứu mà nó còn dành cho những ai muốn nâng cao mạnh mẽ năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế công việc.

1. Sơ lược về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Về mặt bản chất, PPNCKH giúp chúng ta giải quyết một vấn đề đúng và hiệu quả điều đó hàm ý rằng PPNCKH giúp chúng ta có phương pháp thu thập thông tin, phương pháp xử lý thông tin và phương pháp trình bày thông tin. ...

Để đi sâu hơn chúng ta sẽ tìm hiểu một định nghĩa sau về PPNCKH:

“Phương pháp nghiên cứu khoa học là phương pháp nhận thức thế giới bao gồm những quan điểm tiếp cận, những quy trình, các thao tác cụ thể tác động vào đối tượng để làm bộc lộ bản chất của đối tượng”

(i). Quan điểm tiếp cận: Chúng ta cần biết rằng trong nghiên cứu khoa học nói chung thì người ta lại phân ra làm nhiều các chuyên ngành nghiên cứu khác nhau như nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu khoa học tự nhiên. Và từ đây người ta lại chia nhỏ ra thành những chuyên ngành nghiên cứu hẹp hơn như là nghiên cứu khoa học xã hội , nghiên cứu khoa học Marketing, nghiên cứu khoa học tâm lý…và mỗi chuyên ngành nghiên cứu lại có phương pháp nghiên cứu đặc thù riêng dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung.

Khi nhà nghiên cứu đứng trước một vấn đề xã hội và thấy rằng cần giải quyết nó để tạo ra các lợi ích lớn hơn cho xã hội, nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với tình huống là tiếp cận với vấn đề theo hướng nào là phù hợp nhất? Có nghĩa là cần tiếp cận nó theo PPNC xã hội, theo PPNC Marketing hay theo PPNC tâm lý…Hướng tiếp cận khác nhau sẽ đưa ra những kết quả có thể khác nhau.

Ví dụ: Trong một loạt bài báo của Thanh niên với tiêu đề “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện chấn động về lịch sử” đã công bố những phát hiện mới về lịch sử Việt Nam trong một số công trình nghiên cứu của thiền sư Lê Mạnh Thát. Trong khi chờ đợi một cuộc tranh luận trực tiếp giữa Hội khoa học lịch sử với Thiền sư, thì có nhiều nhà sử học có ý kiến rằng việc Thiền sư tiếp cận với vấn đề ban đầu nghiêng nhiều theo phương pháp nghiên cứu của Phật giáo chứ không lấy PPNC lịch sử là chủ đạo nên đã dẫn đến những kết luận mang tính ngộ nhận, họ lấy dẫn chứng là Thiền sư đã không dùng các phát hiện về khảo cổ học để đối chứng mà đơn thuần chỉ là sử dụng phương pháp nghiên cứu thư tịch.

(ii). Các bước tiến hành (quy trình): Khi đã tìm ra hướng tiếp cận, chúng ta bắt đầu cần giải quyết vấn đề theo từng bước một, tức là làm việc gì trước, việc gì sau để đảm bảo quy trình nghiên cứu chặt chẽ.

(iii). Các thao tác cụ thể: Việc nắm được quy trình nghiên cứu mới chỉ cho chúng ta biết là bước một chúng ta làm gì, bước hai chúng ta làm gì…nhưng lại không nói cho chúng ta biết là chúng ta sẽ làm như thế nào. Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện các thao tác cụ thể để giải quyết công việc của từng bước. Mà muốn thực hiện được các thao tác này thì chúng ta buộc phải có các kỹ thuật nghiên cứu cụ thê, công cụ nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng các công cụ nghiên cứu. Chính việc sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ nghiên cứu sẽ là một trong các nhân tố chính quyết định tính hiệu quả của một công trình nghiên cứu và nó cũng là nhân tố chính nâng cao năng lực của chúng ta. Ví dụ trong nghiên cứu Marketing, chúng ta cần sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ như là Bảng câu hỏi, Bảng khảo sát (thu thập thông tin); Thống kê và Phần mềm phân tích thống kê (phân tích và sử lý thông tin)...

Các vấn đề từ (i), (ii) và (iii) sẽ giúp chúng ta tiếp cận với vấn đề đúng hướng, tìm ra những bước giải quyết cụ thể và cách thức giải quyết từng vấn đề hiệu quả. Điều này cũng hàm ý là chúng ta sẽ tiếp cận với thông tin đúng, thu thập thông tin đúng, phân tích thông tin đúng và diễn giải thông tin đúng. Như vậy bản chất của vấn đề sẽ được bộc lộ.


3. Hướng tiếp cận với PPNCKH:

Trong thực tế hiện nay, sinh viên KKT chúng ta ít có cơ hội được tiếp xúc với PPNCKH nói chung mà đặc biệt là các phương pháp thuộc về chuyên ngành nghiên cứu cụ thể của khoa học kinh tế như là nghiên cứu Marketing, nghiên cứu Quản lý, nghiên cứu Kinh tế học….

Một số trường đã đưa môn học PPNCKH vào giảng dạy nhưng với số tín chỉ ít ỏi (45 tín chỉ) nên đã không mang lại tác dụng nhiều. Chúng ta cần thấy rằng phương pháp nghiên cứu không đơn thuần là việc giải quyết vấn đề theo từng bước quy trình nào mà còn là thao tác cụ thể để giải quyết từng bước. Muốn thực hiện được các thao tác thì một điều hết sức quan trọng là chúng ta phải có các công cụ và kỹ thuật sử dụng công cụ để giải quyết vấn đề. Ví dụ trong Nghiên cứu khoa học xã hội, những công cụ như Bảng câu hỏi định tính (phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm), Bảng câu hỏi định lượng, thống kê, phần mềm SPSS là một chùm công cụ đi kèm không thể thiếu trong phương pháp nghiên cứu định lượng có kết hợp với định tính. Việc dạy phương pháp mà không dạy kèm công cụ giống như việc một người lính ra trận, đã được học về cách thức chiến đấu nhưng không có vũ khí sắc bén hoặc không có võ nghệ cao cường.

Vậy thì chúng ta sẽ tiếp cận nó như thế nào? Những dòng dưới đây chỉ là những gợi ý mang tính kinh nghiệm:

(i). Tìm hiểu về phương pháp thông qua sách viết về PPNCKH nói chung và NCKH chuyên ngành. Trên thực tế hầu hết những quyển sách này đều viết với phong cách kinh điển, rất khó hiểu với những người chưa có kinh nghiệm nghiên cứu. Điều đó là khó cho việc tự học. Do vậy việc kết hợp đọc và hỏi những thầy cô giáo có kinh nghiệm nghiên cứu là điều hết sức cần thiết. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta kết hợp việc đọc sách và tìm hiểu những phương pháp này đã được ứng dụng cụ thể trong các đề tài như thế nào. Nó hàm ý rằng việc đọc một số đề tài nghiên cứu hoàn chỉnh sẽ làm sáng tỏ về PPNC. Chúng ta cũng có thể tham gia các buổi hội thảo tiếp theo trong chuỗi hội thảo này để tìm hiểu kỹ hơn về PPNC để từ đó có cách nghiên cứu vấn đề đúng đắn.

(ii). Thực hiện một đề tài nghiên cứu. Đây là vấn đề tối quan trọng. Đầu tiên bạn cần hỏi thầy cô xem là đề tài nghiên cứu này có thực tế không và có phù hợp với khả năng không. Nếu được thì bắt đầu bắt tay nghiên cứu. Bạn có thể thực hiện (i) và (ii) song song. Chỉ khi thực hiện một đề tài nghiên cứu cụ thể thì bạn mới thấm sâu được phương pháp và nâng cao được năng lực bản thân.

(iii) Hãy chú ý tới việc rèn luyện các công cụ cụ thể. Chúng tôi nhận thấy rằng việc không biết cách sử dụng các công cụ và áp dụng nó vào từng bước cụ thể chính là điểm yếu nhất trong nghiên cứu của sinh viên. Việc hiểu các công cụ này ở mức độ trung bình cũng nguy hiểm không kém gì việc không biết cách sử dụng các công cụ này. Muốn giỏi các công cụ đòi hỏi sự rèn luyện không ngừng và hầu như chỉ có thể giỏi nó thông qua công việc nghiên cứu thực tế hoặc được giảng dạy chi tiết.

Ngoài ra:

(iv) Hãy coi việc NCKH là một cách thức quan trọng để nâng cao mạnh mẽ năng lực của bản thân. Và khi có năng lực, bạn sẽ tự tin, tự tin trong học tập và trong công việc thực tế; giải quyết các công việc thực tế nhanh, đúng và hiệu quả.

(v) Tư duy và lòng kiên trì là những điều kiện không thể thiếu cho nhà nghiên cứu. Cả tư duy và lòng kiên trì, nếu biết cách vẫn có thể nâng cao chúng lên được để phục vụ cho công việc nghiên cứu, phục vụ cho năng lực.

(vi) Dám làm và biết cách làm. Ở đây lại xuất hiện sự phân biệt giữa liều lĩnh và chấp nhận rủi ro. Liều lĩnh và chấp nhận rủi ro có một điểm chung là dám làm (ví dụ: dám bắt tay vào thực hiện nghiên cứu một đề tài cụ thể). Nhưng điểm khác nhau cơ bản giữa chúng là ở chỗ, trong khi “liều lĩnh” là cách thức giải quyết công việc chỉ dựa trên ý chí chủ quan, làm theo ý thích mà không có phương pháp cụ thể (xác suất thu thập được thông tin đúng và phân tích thông tin đúng để ra quyết định đúng là rất thấp), chịu nhiều tác động ngược chiều ở những biến cố ngẫu nhiên. Còn “chấp nhận rủi ro” là cách thức giải quyết công việc có ý chí và có phương pháp (xác suất thu thập thông tin đúng và phân tích thông tin đúng để ra quyết định đúng là rất cao), và chỉ chịu rủi ro ở những biến cố ngẫu nhiên không thể kiểm soát.

(vii) Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ. Những sự thay đổi nhỏ, từ từ và liên tục sẽ tạo ra những thay đổi lớn và hiệu quả. Đừng bắt đầu sự thay đổi bằng những cách thức đột ngột, bằng những quả đấm thép. Đó chính là nội dung của triết lý Kaizen trong quản lý của Nhật mà bạn nên áp dụng trong bước đầu tiếp xúc với NCKH.


CLB NCKH Khoa kinh tế ĐHQG TPHCM

- © Saga, www.saga.vn

http://www.saga.vn/view.aspx?id=11657

To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up