Language:
Phương pháp trưng cầu ý kiến bằng bảng hỏi
By xahoihoc January 21, 2013

1. Khái niệm bảng hỏi.

Bảng hỏi là hệ thống các câu hỏi được xếp đặt trên cơ sở các nguyên tắc: tâm lý, logic và theo nội dung nhất định nhằm tạo điều kiện cho người được hỏi thể hiện được quan điểm của mình với những vấn đề thuộc về đối tượng nghiên cứu và người nghiên cứu thu nhận được các thông tin cá biệt đầu tiên đáp ứng các yêu cầu của đề tài và mục tiêu nghiên cứu.

Thông thường, lập một bảng hỏi phải tính đến 2 yêu cầu sau: Phải đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra và phải phù hợp với trình độ và tâm lý người được hỏi. ...

2. Vai trò của bảng hỏi trong nghiên cứu xã hội học.

- Bảng hỏi là công cụ quan trọng trong nhận thức thực nghiệm. Nó là sự thể hiện bên ngoài của chương trình nghiên cứu.

- Bảng hỏi được coi là phương tiện để lưu giữ thông tin: Thông tin cá biệt được ghi nhận trên bảng hỏi, vì vậy bảng hỏi là cơ sở vật chất cho sự tồn tại của thông tin. Thông tin được lưu giữ có thể được sử dụng cho những lần khác trong các nghiên cứu sau này.

- Bảng hỏi là chiếc cầu nối giữa người nghiên cứu và người trả lời. Một mặt, chịu sự tác động của người nghiên cứu khi đưa các vấn đề, các mục tiêu nghiên cứu vào. Mặt khác, nó cũng chịu ảnh hưởng của người trả lời (làm sao để câu trả lời khách quan)

- Việc thu thập thông tin, nếu không sử dụng bảng hỏi sẽ trở nên tùy tiện, không có trật tự, thiếu nội dung thống nhất, hoặc sẽ làm thông tin thu được không ăn khớp với đề tài và mục tiêu nghiên cứu.

3. Các dạng câu hỏi.

* Căn cứ vào hình thức trình bày câu hỏi, có thể phân thành 3 loại (đóng – mở – kết hợp)

- Câu hỏi đóng: là câu hỏi đã có sẵn phương án trả lời.

+ Câu hỏi đóng lựa chọn: người được hỏi chỉ được chọn 1 phương án khi trả lời.

+ Câu hỏi đóng tùy chọn: Người được hỏi có thể lựa chọn nhiều phương án khi trả lời.

Cách khác: câu hỏi đóng có thể chia thành

+ Loại 1: Câu hỏi lưỡng cực (Có – Không)

+ Loại 2: Câu hỏi cường độ (thứ bậc): để tránh thiên lệch, người ta đặt ra nhiều khả năng theo cường độ của hiện tượng hoặc ý kiến, người trả lời được lựa chọn theo những mức độ khác nhau. (Loại câu hỏi này thường đưa ra số khả năng lựa chọn 3 hoặc 5 xoay quanh câu trả lời trung bình)

- Câu hỏi mở: là câu hỏi không có sẵn phương án trả lời, người trả lời có thể tự đưa ra những ý kiến phù hợp nhất của bản thân để điền vào bảng hỏi.

*Câu hỏi mở thường được dùng

+ Lúc bắt đầu nghiên cứu để từ đó quyết định đưa ra loại câu hỏi nào cho phù hợp cũng như xác định nội dung cần nghiên cứu.

+ Dùng câu hỏi mở để tăng tính tích cực của người trả lời: Dùng để cho cuộc phỏng vấn được tự nhiên, dùng để lái đến thông tin cần thu thập.

+ Dùng để chuẩn đoán, kiểm tra nhận thức của người trả lời: Chuẩn đoán động cơ, lý do xử xự, những lo lắng cá nhân, những vấn đề tồn tại, mong muốn, nguyện vọng…

* Ưu điểm của câu hỏi mở

+ Thu được những thông tin có tính chất bề sâu như: tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, động cơ, quan điểm…

+ Thông tin thu được có độ tin cậy, chính xác, khách quan hơn so với câu hỏi đóng.

* Nhược điểm chính của câu hỏi mở:

+ Khó khăn về thu thông tin. Người trả lời buộc phải suy nghĩ mới trả lời được.

+ Khó khăn cho vấn đề xử lý thông tin: Như phân loại các thông tin, người tổng hợp không nhất trí được với nhau. Khó khăn về thời gian và kinh phí: không thể sử dụng nhiều người cùng tổng hợp được, nếu nhiều người phải cùng nhau làm để thống nhất các mã.

- Câu hỏi kết hợp: Kết hợp giữa câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Loại này được sử dụng vì không tìm được hết phương án diễn đạt theo câu hỏi đóng, mà cần người trả lời diễn đạt thêm.

* Căn cứ theo công dụng của các câu hỏi, có thể chia làm 2 loại: Câu hỏi nội dung và câu hỏi chức năng.

- Câu hỏi nội dung: Tìm ra những vấn đề cần nghiên cứu (có 3 loại: Sự kiện – tri thức – thái độ, quan điểm, động cơ)

+ Câu hỏi sự kiện: Là những câu hỏi về thân thế, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, thành phần gia đình, địa vị xã hội, sụ việc… (Đây là những câu hỏi sử dụng trong lúc bắt đầu để hỏi, để làm quen, hoặc tạm nghỉ giữa các câu hỏi về ý kiến và động cơ. Thông tin thu được từ những câu hỏi này có độ tin cậy cao, vì thế thường dùng để thực hiện chức năng bổ sung và kiểm tra chất lượng)

+ Câu hỏi tri thức: nhằm xác định xem người được hỏi có nắm vững về một vấn đề gì không? Hoặc đánh giá trình độ hiểu biết về vấn đề nêu ra.

+ Câu hỏi thái độ, quan điểm, động cơ: Nhằm thu thập thông tin về ý kiến, thái độ cũng như cường độ các quan điểm của người trả lời về vấn đề nêu ra.

- Câu hỏi chức năng:

+ Câu hỏi tâm lý: (không nên dùng để hỏi về nhân khẩu học – là những câu hỏi không có liên quan rõ ràng đến nội dung, gạt bỏ những nghi ngờ có thể nảy sinh, giảm bớt sự căng thẳng, hoặc chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác…

+ Câu hỏi kiểm tra: Kiểm tra lại độ tin cậy của các thông tin từ các câu hỏi trả lời trước đó

+ Câu hỏi lọc: Kiểm tra xem đối tượng có thuộc nhóm cần trả lời những câu hỏi tiếp theo không?

4. Kết cấu bảng hỏi (thông thường có khoảng từ 18 đến 24 câu, ước tính trả lời trong thời gian 20 – 30 phút, và có 3 phần)

- Phần mở đầu: Thông thường, phần mở đầu của bảng hỏi phải trình bày 3 vấn đề sau: Trình bày mục đích cuộc điều tra – Hướng dẫn cho người phỏng vấn cách trả lời câu hỏi – khẳng định tính khuyết danh của cuộc điều tra. Tạo hứng thú cho người trả lời.

- Phần nội dung chính của bảng hỏi.

+ Đưa các câu hỏi làm quen, sự kiện lên trước và tiếp sau mới đến các câu hỏi tâm tư, tình cảm.

+ Đặt các câu hỏi có chức năng tâm lý xen kẽ những câu hỏi nội dung để tạo tâm lý tốt, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Không nên để hai câu hỏi chức năng liền kề nhau.

+ Nên đặt những câu hỏi biểu thị sự quan tâm của cuộc điều tra đến công ăn việc làm trước để tạo thoải mái, những câu hỏi đi sâu đến đời sống từng người xếp xuống sau.

+ Chỉ nên đưa từ 1 đến 2 câu hỏi mở, xếp vào sau câu thứ 4 đến câu thứ 9 và 1 câu vào gần cuối bảng hỏi.

- Phần cuối bảng hỏi: Thường là những câu hỏi về tuổi, học vấn, nghề nghiệp, dân tộc, giới tính…Nó giúp kiểm tra xem mẫu chọn có bị lệch trong quá trình nghiên cứu hay không?

Chú ý đến hình thức và nội dung bảng hỏi, cố gắng hạn chế các câu hỏi mở vì nó để lại chữ của người trả lời trên phiếu.

5. Cách thức sử dụng câu hỏi trong bảng hỏi.

- Chọn các câu hỏi đưa vào bảng hỏi nên căn cứ vào 3 tiêu chí sau: Tính tiết kiệm của câu hỏi (dùng câu hỏi đóng tiết kiệm hơn), tính chắc chắn của câu hỏi và tính xác thực của câu hỏi. (Lưu ý: Dùng câu hỏi mở thì thông tin mang lại độ chính xác cao, những câu hỏi tiếp xúc và những câu hỏi chức năng, tâm lý luôn dùng những câu hỏi mở, những câu hỏi lọc lại là những câu hỏi đóng.

- Với những câu hỏi mang tính tiêu cực, nên giảm nhẹ mức độ tiêu cực. (Với những câu hỏi tiêu cực,nên đặt nó xen kẽ với những câu hỏi tích cực khác, hoặc nói giảm mức độ xuống bằng những câu hỏi gián tiếp.

- Các phương án trả lời phải rạch ròi, không chồng chéo nhau và phải đầy đủ.

- Những câu hỏi đầu tiên là những câu hỏi sự kiện, hoặc những câu hỏi mang tính chất gợi mở để người trả lời làm quen dần với bảng hỏi.

- Cách đặt câu hỏi phải linh hoạt, không nên dùng mãi những vấn đề giống nhau, không nên dùng những từ vô định như: thỉnh thoảng, đến đâu, thường xuyên…

- Các câu hỏi phải làm cho mọi người hiểu cùng 1 ý, không mơ hồ hay quá rộng.

- Các câu hỏi kết hợp phải liệt kê đầy đủ các phương án trả lời, với những câu hỏi khó cần để ngỏ phương án cuối cùng.

- Bảng hỏi càng tránh gây dư luận càng tốt.

- Các câu hỏi phải phù hợp với trình độ hoặc hiểu biết của người nghiên cứu, không dùng những từ khoa học ít người biết đến, ví dụ: tổng tỷ suất sinh…

- Lời nói trong câu hỏi phải rõ ràng, không ghi những từ viết tắt, đặc biệt là tiếng nước ngoài.

- Tùy theo phương pháp thu thập số liệu mà ta xác định xem khoảng bao nhiêu câu hỏi (thường không để người trả lời phải trả lời quá 30 phút đối với 1 bảng hỏi)

https://sites.google.com/site/dominhulsa/the-topic-of-social-workers/nhap-mon-cong-tac-xa-hoi/chuong-ii---ly-thuyet-va-phuong-phap-trong-ctxh/ii---cac-phuong-phap-trong-ctxh/5-phuong-phap-nghien-cuu-trong-ctxh/phuong-phap-trung-cau-y-kien-bang-bang-hoi
To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up