(Auguste Comte; 1798 - 1857), nhà triết học Pháp, người sáng lập chủ nghĩa thực chứng. Côngtơ học trường đại học bách khoa, ngành toán học và đã trải qua những khó khăn về vật chất cũng như về tinh thần. Chủ nghĩa thực chứng của ông cho rằng con người không thể hiểu được bản chất của các hiện tượng, bởi vì, theo ông, "chỉ có một câu cách ngôn tuyệt đối, đó là không có cái gì tuyệt đối cả". Theo chủ nghĩa thực chứng thì chỉ có kinh nghiệm mới cho phép nhận thấy và kiểm soát các hiện tượng: "chúng ta không biết bất cứ một cái gì khác ngoài kinh nghiệm". Côngtơ cho rằng nhân loại đã trải qua ba giai đoạn phát triển về mặt lí luận: 1) Thần học (giải thích bằng phù phép); 2) Siêu hình học (giải thích bằng từ ngữ, khái niệm); 3) Thực chứng (giải thích bằng quy luật), đây là giai đoạn cao nhất. ...
Theo ông, một khoa học có đối tượng càng đơn giản thì nó càng nhanh chóng đi đến trạng thái thực chứng, nhất là môn xã hội học (trật tự về tính phức tạp của đối tượng khoa học theo Côngtơ là: toán học, thiên văn học, vật lí học, sinh vật học, xã hội học). Chính vì vậy mà người ta coi Côngtơ là người sáng lập ra xã hội học, một môn "vật lí học xã hội" (một khoa áp dụng phương pháp vật lí vào nghiên cứu xã hội). Côngtơ không tin có một Thượng đế sáng tạo ra thế giới. Cái duy nhất mà ông sùng bái, đó là nhân loại. Đạo đức học của Côngtơ là một chủ nghĩa vị tha tư sản. Tác phẩm chính: "Giáo trình triết học thực chứng" (1830 - 42), "Những bài diễn văn về toàn bộ chủ nghĩa thực chứng" (1848), "Hệ thống chính trị thực chứng chủ nghĩa" (1851 - 54).Nguồn:
http://www.google.com.vn/search?q=+"comte"&hl=vi&lr=lang_vi&as_qdr=all&start=20&sa=N